Chữ ký số là một dạng chữ ký điện tử dựa trên công nghệ mã khóa công khai. Mỗi người dùng chữ ký số phải có một cặp khóa (keypair), gồm khóa công khai (public key) và khóa bí mật (private key). Trong đó khóa bí mật dùng để tạo chữ ký số, còn khóa công khai dùng để thẩm định chữ ký số hay xác thực người tạo ra chữ ký số đó.
Hiện nay, chữ kí số có thể bao hàm các cam kết gửi bằng email, nhập các số định dạng cá nhân (PIN) vào các máy ATM, ký bằng bút điện tử với thiết bị màn hình cảm ứng tại các quầy tính tiền, chấp nhận các điều khoản người dùng (EULA) khi cài đặt phần mềm máy tính, ký các hợp đồng điện tử online... Chữ ký số công cộng có thể sử dụng cho các giao dịch điện tử liên quan đến người sử dụng là cá nhân và tổ chức, doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực hoặc sử dụng với các ứng dụng chính phủ điện tử bởi các cơ quan nhà nước trong tương lai sẽ làm việc với nhân dân hoàn toàn trực tuyến và một cửa.
Khi cần làm thủ tục hành chính hay một sự xác nhận của cơ quan nhà nước người dân chỉ cần ngồi ở nhà khai vào mẫu đơn và ký số để gửi là xong. Ngoài ra, chữ ký số cũng có thể dùng để kê khai, nộp thuế trực tuyến, khai báo hải quan và thông quan trực tuyến mà không phải in các tờ khai, đóng dấu đỏ của công ty và chạy đến cơ quan thuế xếp hàng và ngồi đợi vài tiếng đồng hồ, có khi đến cả ngày để nộp tờ khai này.
Chữ ký số cũng giúp cho các đối tác có thể ký hợp đồng làm ăn hoàn toàn trực tuyến không cần ngồi trực tiếp với nhau, chỉ cần ký vào file hợp đồng và gửi qua e-mail. Riêng các giao dịch nội bộ của các cơ quan nhà nước hoặc giữa các cơ quan nhà nước với nhau là các giao dịch đặc thù, không dùng được hệ thống chứng thực công cộng mà phải dùng hệ thống riêng.
Nước ta hiện có 9 nhà cung cấp dịch vụ chữ ký số công cộng, trong khi lượng khách hàng mới chỉ giới hạn ở số lượng khoảng hơn 500.000 doanh nghiệp và phần lớn đều đã sử dụng chữ ký số. Điều này cho thấy, các nhà cung cấp dịch vụ đang đau đầu trước không ít chiêu thức cạnh tranh không lành mạnh. Để nới rộng quy mô thị trường và tạo thêm thuận lợi cho khách hàng, một giải pháp mới được nhắm tới là chữ ký số mobile (MobileCA) dành cho khách hàng cá nhân. Viettel được xem như nắm vị trí tiên phong vì việc nỗ lực cải tiến các giải pháp nhằm tích hợp chữ ký số vào các ứng dụng để có thể sử dụng nhiều hơn cuộc sống.
Với mong muốn chữ ký số phổ dụng, tiện ích, cũng như để có một sản phẩm tốt nhất cho người dùng, Viettel đã nghiên cứu, thử nghiệm thành công và là nhà cung cấp dịch vụ chữ ký số mobile được tích hợp trên SIM-CA đầu tiên tại Việt Nam. Bên cạnh những chức năng của SIM điện thoại thông thường, SIM-CA do Viettel sản xuất còn chứa chứng thư số và mã xác thực (mã pin) để có thể thực hiện các giao dịch ký điện tử, Trưởng Phòng CA của Viettel, ông Nguyễn Tiến Thành chia sẻ.
TIỆN ÍCH CỦA MOBILECA
Theo Giám đốc Trung tâm giải pháp cộng đồng thông tin và viễn thông Viettel (Viettel ICT) Nguyễn Tiến Dũng, MobileCA có nhiều ưu điểm hơn so với chữ ký số sử dụng qua USB Token truyền thống. Chẳng hạn, với giải pháp dùng USB Token, người dùng bắt buộc phải có kết nối mạng Internet, có laptop hoặc PC, phần mềm cho phép ký điện tử và USB Token chứa chứng thư số. Còn với MobileCA, người sử dụng SIM-CA có thể thực hiện việc ký điện tử thông qua các thiết bị như: máy tính bảng, điện thoại thông minh được tích hợp phần mềm cho phép ký số và ngay cả điện thoại phổ thông (feature phone) gắn SIM-CA ở bất cứ đâu, chỉ cần có sóng của nhà mạng.
Ngoài khả năng di động và tiện dụng, thì giá thành thiết bị của MobileCA cũng rẻ hơn cá sản phẩm CA khác. Hiện tại Viettel bán SIM-CA 120.000 VND so với 500.000 VND của USB Token CA. Ở thời điểm hiện tại giá dịch vụ MobileCA của Viettel là 30.000 đồng/1 thuê bao/tháng là hoàn toàn có thể chấp nhận được bởi nó sẽ tiết kiệm thời gian và mang lại rất nhiều tiện ích cho khách hàng.
Thủ tục đăng ký sử dụng MobileCA tương tự như đăng ký các dịch vụ viễn thông. Khách hàng sau khi đăng ký chứng thực số ở cửa hàng Viettel bất sẽ được cấp một SIM-CA mới và có thể dùng chữ ký điện tử ngay sau đó. Tuy nhiên do đặc thù pháp lý của chữ ký số, tương đương với chữ ký tay, nên có thể phải cần thêm một số giấy tờ xác thực nguồn gốc thông tin của doanh nghiệp hay người sử dụng cá nhân chặt chẽ hơn, chẳng hạn như bản sao giấy tờ có công chứng của doanh nghiệp...). Khách hàng muốn sử dụng dịch vụ CA trên số điện thoại đang có thì khách hành chỉ cần thực hiện thủ tục đổi sim thường sang SIM-CA mà vẫn giữ nguyên được số điện thoại.
“Hiện tại Việt Nam đã có đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hành lang pháp lý để MobileCA bùng nổ. Bởi với dân số 90 triệu người, thì sẽ có ngày càng nhiều người dùng di động tại Việt Nam ứng dụng chữ ký số cá nhân để thực hiện các giao dịch trực tuyến sẽ ngày càng tăng”, ông Dũng khẳng định.
Phân tích về tính bảo mật cao và công nghệ, Trưởng phòng CA Nguyễn Tiến Thành cho hay, chữ ký số dựa trên hạ tầng mã hóa công khai (PKI), trong đó phần quan trọng nhất là thuật toán mã hóa công khai RSA. Công nghệ này bảo đảm rằng chữ ký số khi được một người nào đó tạo ra là duy nhất, không thể giả mạo được và chỉ có người sở hữu khóa bí mật mới có thể tạo ra được chữ ký số đó (đã được chứng minh về mặt toán học).
Hơn nữa, ngoài việc là một phương tiện điện tử được pháp luật thừa nhận về tính pháp lý, chữ ký số còn là một công nghệ mã hóa và xác thực rất mạnh. Để sử dụng chữ ký số cần phải đăng ký chứng thư số và tạo khóa bí mật lưu vào trong PKI Token với các nhà cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số. Điều này thể giúp bảo đảm an toàn, bảo mật cao cho các giao dịch trực tuyến, nhất là các giao dịch chứa các thông tin liên quan đến tài chính.
NHỮNG BƯỚC ĐI CẦN THIẾT
Tại một cuộc hội thảo về chữ ký số do Bộ Thông tin - Truyền thông phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ tổ chức, Phó trưởng ban Cơ yếu Chính phủ Trần Văn Sơn, khẳng định: Chữ ký số là giải pháp tốt nhất trong việc bảo mật, xác thực và bảo toàn dữ liệu trong các giao dịch điện tử.
Mặc dù vậy, trong thời gian qua, việc ứng dụng chữ ký số tại Việt Nam chỉ bó hẹp trong phạm vi nội bộ một tổ chức, doanh nghiệp hoặc thí điểm ở quy mô nhỏ do các chữ ký số này chưa có tính pháp lý đầy đủ. Có một số đơn vị, cơ quan nhà nước đã sử dụng chữ ký số với các hệ thống chứng thực chuyên dùng trong các hoạt động nghiệp vụ nội bộ và trong các cơ quan nhà nước như Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Thông tin và Truyền thông Tp.HCM…
Mặc dù các đơn vị đã xây dựng khung giá dịch vụ ngay sau khi được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép, nhưng thị trường cho dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng tại Việt Nam chưa hình thành do chưa có nhiều đơn vị dùng chữ ký số. Để những tiện ích như MobileCA trở thành phổ dụng, ngoài các cuộc cải cách hành chính công, điều đầu tiên cần thay đổi là thói quen của các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân bằng các biện pháp tuyên truyền, khuyến khích sử dụng chữ ký số.
Công nghệ đang thay đổi mạnh mẽ, có tính chất đột phá, chữ ký số cho cá nhân dùng trên điện thoại di động, máy tính bảng sẽ là xu thế trong thời gian tới. Những tiện ích của CA trong các giao dịch cá nhân và các văn bản hành chính công cũng như những hợp đồng điện tử, hóa đơn điện tử và Internet Banking hay Mobile Banking mới chỉ là bước đầu, còn có rất nhiều việc cần phải làm để thực sự các ứng dụng đó gần gũi phục vụ người dùng tốt nhất. Việc ra đời những tiện ích như MobileCA đang đáp ứng đúng xu thế và chắc chắn sẽ mang lại cho khách hàng nhiều tiện ích phong phú./.
Theo Tạp chí Viettel
0 nhận xét:
Đăng nhận xét